Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Sự thật tình yêu ở đâu?

Người Góp Nhặt
http://conglyvahoabinh.org/su-that-cua-tinh-yeu-o-dau/2014/04/

Bác ái phải cụ thể, trong tình yêu hành động quan trọng hơn lời nói, cho thì tốt hơn nhận.”
Có một sự thật rất rõ ràng phản ánh bác ái Kitô Giáo, đó là ‘sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo’. Ngay từ  Giáo hội sơ khai đến hiện tại, truyền thống Giáo hội không ngừng thực hiện bác ái qua những việc làm cụ thể. Dù ai đó có thành kiến với Công giáo, không thể phủ nhận nỗ lực không mệt mỏi của giới Công giáo trên lãnh vực này.

Ưu tiên dành cho người nghèo, đó cũng là lựa chọn của triều đại giáo hoàng hôm nay.

Như một lời cam kết, Tân Giáo hoàng Phanxicô đã nói trước mặt 2500 đại diện 6000 người thuộc giới truyền thông vào ngày 16/03/2013, ngay khi vừa lãnh nhận chức vụ giáo hoàng “Tôi muốn một Giáo hội nghèo khó, vì người nghèo” sau khi ngài giải thích lý do tại sao lấy danh hiệu Phanxicô Assisi, một vị thánh nghèo, đã làm cho giới Công giáo, đặc biệt, giới truyền thông thích thú.

Người Công giáo hy vọng một Giáo hội đổi thay và thế giới chú tâm theo dõi ngài thực hiện lời cam kết đó.

Một chuyển tiếp kì lạ

Không ít người tin “có sự an bài của Chúa” trong hai sự kiện nóng bỏng nhất của Giáo hội Công giáo năm 2013: Giáo hoàng Bênêđictô XVI tự ý tuyên bố từ nhiệm chức vụ Giáo hoàng và sự kiện Giáo hoàng Phanxicô được bầu chọn vào chức vị này đã ảnh hưởng đến thế giới nói chung.

Giáo hội Công giáo của năm 2013 và trước đó, chính Giáo hoàng Bênêđictô XVI thừa nhận “Cộng đồng tín hữu gần đây đã bị tổn thương bởi các cuộc tấn công của tội lỗi. Chúng xâm nhập vào bên trong, ngay cả trung tâm của Hội Thánh”(1). Ngài muốn nói đến những vụ giáo sỹ lạm dụng tình dục, và tài chánh không minh bạch ở ngân hàng Vatican. Những khủng hoảng trầm trọng này, ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, tuổi tác của ngài, có thể là lý do đưa đến quyết định từ nhiệm chức vụ giáo hoàng.

Cơn sóng dữ đã làm cho đức tin của người tín hữu chao đảo và thế giới mất lòng tin vào ‘chân, thiện, mỹ’ của một tôn giáo lớn.

“Hơn lúc nào hết, Giáo hội cần một vị lãnh đạo có đủ năng lực để giải quyết những khủng hoảng này”, đó là nhận định chung của giới truyền thông khi họ đưa ra khuôn mặt các ứng viên cho chức vụ giáo hoàng. Vatican có được một thời gian chuẩn bị cho ứng viên chức vụ giáo hoàng tốt hơn. Các hồng y có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kĩ lưỡng hơn về vị lãnh đạo Giáo hội tương lai.

Việc đến thì phải đến, Giáo hội Công giáo đã bầu xong giáo hoàng mới và tên tuối của Tân Giáo hoàng hoàn toàn không đúng với kiểu ‘đoán già đoán non’ của giới truyền thông. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Tân Giáo hoàng Phanxicô đã làm cho giới truyền thông tốn nhiều giấy mực.

Chỉ trong thời gian ngắn, ngài đã gây bất ngờ: lấy lại lòng tin của thế giới vào Giáo hội.

Thế giới, không riêng người Công giáo đều ghi nhận sự quyết tâm của ngài. Cuối năm 2013, chỉ sau 9 tháng, Time, tạp chí nổi tiếng thế giới của Mỹ, bình chọn ngài là ‘Nhân vật của năm 2013’. Truyền thông thế giới liên tục đưa tin sự kiện này với tất cả sự trân trọng ‘Nhân vật của năm 2013’.

Người Công giáo có quyền hãnh diện sự kiện này, hỏi Giáo hoàng có thích thú không khi nhận được tin này? Cha Federic Lombardi, S.J., Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đưa ra nhận định sau đây:

“Cá nhân Đức Thánh Cha không phải là người mưu tìm công danh, vì ngài đã tận hiến cuộc đời của mình cho sứ vụ rao giảng Phúc Âm của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Điều làm cho Đức Thánh Cha cảm thấy hài lòng là sứ vụ này lôi cuốn mọi người nam cũng như nữ, và có thể đem lại hi vọng cho họ. Và nếu việc bình chọn “Nhân vật của năm” năm nay có nghĩa là có nhiều người hiểu được sứ điệp này – ít là mặc nhiên như thế – thì Đức Thánh Cha thực sự vui mừng”.

Và sự thừa nhận của một tap chí lớn nhất thế giới của Mỹ dành cho một lãnh tụ tôn giáo là một tin vui, có lợi cho một thế giới ngày càng xem nhẹ giá trị tâm linh: “Giải thưởng cao quý của báo chí quốc tế dành cho một nhân vật không ngừng thăng tiến những giá trị tinh thần, tôn giáo và luân lý cũng như kiên quyết kêu gọi hòa bình và gia tăng công bằng là một tín hiệu tích cực”, cha Lombardi nhận định.