Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Nhật ký - Ngày thứ hai cuộc Hội Ngộ Ba Miền 2013 tại Huế

Tôma Hoàng Kim Khánh
http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=10830:nht-ky-ngay-th-hai-cuc-hi-ng-ba-min-2013-ti-hu&catid=3:tin-tuc-tong-giao-phan-hue&Itemid=4 

Ngày thứ hai cuộc Hội Ngộ Ba Miền 2013 khởi đầu bằng Thánh Lễ (Chúa nhật XIX thường niên, ngày 11/8/2013) cử hành lúc 6 giờ, tại Nhà nguyện Trung Tâm Mục Vụ Huế, do linh mục Matthêu Vũ Khởi Phụng chủ sự. Trong chia sẻ Lời Chúa, ngài nhắc nhở anh chị em, “Đừng sợ. Theo gương Chúa Giêsu, Giáo Hội trong đó có chúng ta mạnh dạn phục vụ người nghèo.” 

7 giờ, cha con lót lòng bằng cái bánh ngọt, rồi lên xe đến giáo xứ Ngọc Hồ, cách thành phố Huế 12km về phía Tây, tại đây sau khi thăm nhà Chăm sóc các Mẹ “lỡ lầm” do Caritas Huế bảo trợ, các tham dự viên viếng thăm Nghĩa trang Thiên Thần - Nơi an nghỉ của hơn 40.000 thai nhi vô tội, và đưa táng 2 thai nhi.

 




Đoàn táng thật đơn sơ, không quan tài, không xe tang, không tên hiệu, không cha mẹ đưa tiển, không tiếng khóc của người thân, … Nhưng, có bác Khôi (Hà Nội) ôm 2 cháu vào lòng, đi trước, tiếp theo có ông cố Matthêu, ông cố Phêrô Giám đốc Caritas Huế, có chú Gioakim Thịnh (thành viên Nhóm Bảo vệ sự sống Huế) và có các cô bác, anh chị tham dự viên lặng lẽ đưa tiển. Mong xin các cháu thanh thản.
       
Rời Nghĩa trang Thiên Thần, trên đường về lại Huế, các tham dự viên đến thăm Trung Tâm Sơn Ca, cách  Huế 3km, nơi nuôi dưỡng các em khuyết tật và mồ côi, trong đó có các em dân tộc thiểu số. Trung Tâm Sơn Ca thuộc Tỉnh Dòng Phaolô Đà Nẵng, do soeur Chantal Vũ Thị Thọ làm Bề trên.

Thật vui và dễ thương, chúng tôi đến Sơn Ca, trùng vào dịp mừng kính bổn mạng Soeur Bề trên, thế nên một chương trình “giao lưu văn nghệ” giữa các tham dự viên với các em tại trung tâm được “dàn dựng”, tuy vội vàng nhưng ấm đậm tình người, tiếng cười, như quà dâng mừng kính bổn mạng soeur Chantal.

Nhìn cơ sở vật chất của trung tâm, thấy các cháu xinh vui, khỏe mạnh, lòng mỗi chúng tôi thêm vui. Tạ ơn Chúa, cảm ơn các soeur Phaolô, tỉnh dòng Đà Nẵng.






11g30 các tham dự viên đến thăm Mái Ấm Hy Vọng Nguyệt Biều, cách thành phố Huế 10 km, thuộc Dòng Mến Thánh Giá Huế. Chị Catarina Hồ Thị Hiên, bề trên cho biết, cơ sở nuôi dạy các em khuyết tật, mồ côi này được thành lập cách đây 12 năm. Ban đầu, cha Phêrô Giám đốc Caritas, lúc ấy là cha sở Nguyệt Biều lo phần gạo, các chị Dòng Mến Thánh Giá lo nuôi, dạy; đến nay mặc dầu thuộc Hội Dòng, nhưng Nhà Mẹ lo gạo, các chị lo nuôi, dạy. Thời buổi kinh tế khó khăn, phương tiện trị liệu thiếu thốn, lo ăn đã khó, lo thêm dạy dỗ các cháu còn khó hơn, đặc biệt cho các cháu bại liệt, câm điếc.

Chị Catarina tâm tình, “…Thánh giá Chúa trao cho chị em chúng con nặng lắm! Nhưng chúng con vẫn vui lòng gánh vác vì chúng con thuộc dòng ‘Mến Thánh Giá’. Tạ ơn Chúa, có Chúa lo liệu cho chúng con, khó mấy cũng qua hết.” 



Hiện Mái ấm Hy Vọng này có 10 chị Dòng và 5 giáo viên chăm nuôi, dạy dỗ cho 50 em khuyết tật, mồ côi.
  
Trên đường từ Nguyệt Biều lên Đan Viện Thiên An ăn, nghỉ trưa, các tham dự viên trầm tư, trĩu nặng lòng lo cho các cháu, và cảm mến sự hy sinh, lòng quãng đại yêu thương, … của các nũ tu Mến Thánh Giá.

Về lại Trung Tâm Mục Vụ Huế, lúc 14 giờ, các tham dự viên có 30 phút nghỉ trưa.
14g30, phần chia sẻ của Linh mục Matthêu Vũ Khởi Phụng, ngài kể, trong một Hội thảo quốc tế tổ chức tại Đức, nhiều tham dự viên thắc mắc hỏi nhau tại sao bàn về phát triển xã hội Việt Nam lại có sự tham dự của các đại diện tôn giáo, như linh mục Vũ Khởi Phụng - Đại diện Công giáo?

Thì ra, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Việt Nam sẽ chọn lựa phát triển theo hướng “mở cửa, hội nhập, phát triển kinh tế”, điều này dẫu sẽ làm cho đời sống vật chất của người dân được nâng lên, nhưng sẽ làm phát sinh những tiêu cực về mọi mặt trong xã hội, một tầng lớp giàu có mới xuất hiện, ngăn cách giàu nghèo giữa các thành phần trong xã hội sẽ rộng thêm, … Trong hoàn cảnh đó, những “giá trị tinh thần của tôn giáo” được xem như là những phương thế để giải quyết các vấn đề của xã hội.

Thế nhưng từ ví dụ, những đôi bạn trẻ công giáo trước hôn nhân được học hỏi giáo lý đầy đủ nhưng tại sao gia đình họ lại chóng đỗ vỡ? Ngài nêu ra vấn đề “cảm nghiệm tâm linh”. Có cảm nghiệm tâm linh thì những điều học hỏi mới có hiệu quả bền lâu. Cảm nghiệm tâm linh như là điều kiện để tôn giáo trở nên phương thế xây dựng một xã hội tốt đẹp.
 
Trở lại thực tiển hoạt động của các nhóm Bác ái - Xã hội, ngài nhắc nhở anh chị em, hãy chuyền “cảm ứng tâm linh” cho người khác, cứ thế xã hội sẽ bớt đi những điều gian đối, tiêu cực; hãy cùng nhau, mạnh dạn tạo ra những đột phá mới cho Giáo Hội và xã hội.


     
30 phút còn lại, chị Maria Nguyễn Thị Ái, Trưởng Nhóm Bảo vệ Sự sống (BVSS) Huế, được ủy quyền chia sẻ kinh nghiệm hoạt động BA-XH của các Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, Mến Thánh Giá, Mẹ Vô Nhiễm, Phaolô, Thiên An.

Đại diện các nhóm BVSS, nhóm Lên Đường, nhóm Niềm Tin, nhóm Ve Chai lần lượt chia sẻ kinh nghiệm của nhóm. Được biết, đây là những nhóm quy tụ anh chị em giáo dân chôn cất các thai nhi bị cha mẹ phá bỏ, chăm sóc các bệnh nhân HIV/AIDS và con cái của họ, giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi, các cụ già neo đơn, …   


     
17 giờ, các tham dự viên quy tụ trong Nhà nguyện, bên Thánh Thể, dâng lên Chúa Giêsu những cố gắng, hy sinh trong thời gian qua như của lễ đền bù những xúc phạm của mọi người với Chúa, thân thưa cùng Chúa những dự phóng của ngày mai và cầu xin Ngài thêm lửa mến để một lòng theo Chúa phục vụ mọi người.

Khoảng khắc nói lời tạ ơn Chúa, cảm ơn nhau thật cảm động. Nghe ai đó hẹn nhau ngày gặp lại - Hội Ngộ Ba Miền 2014 tại Hà Nội.

Đức Cựu Tổng Giám mục Huế, Têphanô Nguyễn Như Thể; Đức Tổng Giám mục Huế, Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng hiện diện lúc này với các tham dự viên như dấu chỉ của sự quan tâm đến công tác bác ái – xã hội của Giáo Hội, của giáo phận; nguồn khích lệ đối với mọi người đang nỗ lực chung xây một xã hội chứa chan tình Chúa, tình người












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét